Tìm hiểu về Creatinin

Định lượng Creatinin là gì?

Định lượng Creatinin là căn cứ quan trọng để có thể đánh giá chính xác chức năng thận của bệnh nhân. Creatinin sẽ được đánh giá thông qua xét nghiệm máu hoặc nước tiểu

1. Vai trò của Creatinin

Creatinin là sản phẩm của quá trình thoái biến Creatin trong các cơ của cơ thể. Creatinin trong cơ thể có nguồn gốc hỗn hợp; creatinin nội sinh chủ yếu được tổng hợp từ gan (từ arginine và methionine); creatinin ngoại sinh do thức ăn cung cấp. Thận duy trì Creatinin trong máu ở một nồng độ hằng định. Creatinin được đào thải qua thận nên nồng độ của Creatinin phản ánh chính xác chức năng lọc của thận.

Theo một số nghiên cứu; có mối liên quan giữa các nephron thận còn chức năng hoạt động và giá trị creatinin huyết thanh. Tuy nhiên giảm 50% số nephron có hoạt động chức năng chỉ gây ra tăng nhẹ creatinin máu; chỉ khi giảm > 50% số nephron có hoạt động chức năng này nồng độ creatinin trong máu mới tăng cao. Vì vậy; nồng độ Creatinin bình thường không đổi; nếu chức năng bài tiết của thận hoạt động bình thường hoặc suy giảm nhẹ. Ngoài tình trạng mất nước; chỉ những rối loạn ở thận như hoại tử ống thận cấp tính; viêm cầu thận ; viêm bể thận; tắc nghẽn đường nước tiểu,… mới khiến Creatinin máu tăng bất thường. Nồng độ creatinin máu tăng cao thể hiện tình trạng chức năng thận suy giảm, các bệnh lý gây suy thận trước thận (suy tim) hoặc mắc các bệnh lý về thận.

Bên cạnh đó sau bữa ăn; Creatinin thường sẽ tăng nhẹ; đặc biệt là sau khi ăn lượng lớn protein. Ngoài ra; có một số biến đổi trong ngày về lượng Creatinin: Thấp nhất lúc 7h sáng và cao nhất lúc 7h tối.

Dấu hiệu suy thận ở bệnh nhân tiểu đường
Nồng độ của Creatinin phản ánh chính xác chức năng lọc của thận

2. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm định lượng Creatinin?

Khi chức năng thận bị suy giảm bởi bất kỳ lý do nào; mức độ Creatinin trong máu của bệnh nhân sẽ tăng lên do khả năng thanh thải Creatinin của thận kém đi. Chính vì vậy; các xét nghiệm định lượng Creatinin máu thường được thực hiện để chẩn đoán và đánh giá chức năng thận.

Một cách đánh giá chức năng thận chính xác hơn; là đánh giá khả năng của thận loại bỏ creatinin ra khỏi huyết tương trong một đơn vị thời gian. Xét nghiệm được gọi là độ thanh thải của Creatinin; và nó giúp bác sĩ đánh giá được tốc độ lọc của thận và được thực hiện trên mẫu nước tiểu 24h.

Xét nghiệm Creatinin; có thể được thực hiện một cách thường quy như là một phần trong các xét nghiệm sinh hóa cơ bản. Kỹ thuật này cũng có thể được chỉ định khi người bệnh mắc các bệnh lý cấp tính hoặc khi bác sĩ nghi ngờ chức năng thận suy giảm. Một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy giảm chức năng thận bao gồm:

  • Mệt mỏi, thiếu tập trung, mất ngủ, chán ăn;
  • Sưng, phù ở vùng mặt, bụng, đùi, mắt cá chân;
  • Nước tiểu nhiều bọt, có máu hoặc có màu cà phê;
  • Giảm lượng nước tiểu;
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, có dịch tiết bất thường trong khi tiểu, có sự thay đổi về thói quen đi tiểu, tiểu đêm;
  • Đau vùng hông lưng, dưới khung sườn, gần vị trí thận;
  • Tăng huyết áp;

Ngoài ra, tần suất thực hiện xét nghiệm định lượng Creatinin mau hay thưa còn tùy thuộc vào bệnh lý và nguy cơ tổn thương thận của từng bệnh nhân. Cụ thể là:

  • Bệnh nhân tiểu đường nên thực hiện xét nghiệm định lượng Creatinin tối thiểu 1 lần/năm;
  • Người mắc bệnh thận nên đo nồng độ Creatinin thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe;
  • Người mắc bệnh có thể ảnh hưởng tới chức năng thận như tăng huyết áp, tiểu đường, đang dùng thuốc có tác dụng phụ tới thận,… cũng được khuyên nên thực hiện xét nghiệm định lượng Creatinin định kỳ để đánh giá chức năng thận.
Tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường nên thực hiện xét nghiệm định lượng Creatinin tối thiểu 1 lần/năm

3. Các xét nghiệm định lượng Creatinin

3.1 Xét nghiệm Creatinin máu

Xét nghiệm định lượng Creatinin trong máu; được thực hiện một cách thường xuyên như một phần trong những xét nghiệm hóa sinh cơ bản. Ngoài ra; khi bệnh nhân mắc các bệnh lý cấp tính; hoặc bác sĩ nghi ngờ về chức năng thận thì cũng được chỉ định xét nghiệm Creatinin máu.

Một số yếu tố ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm Creatinin máu bao gồm:

  • Một số loại thuốc khiến nồng độ Creatinin trong máu tăng lên như thuốc cao huyết áp, thuốc hóa trị kim loại nặng, cimetidine, aminoglycosides hay các loại thuốc gây độc cho thận khác như cephalosporin; Một số loại thuốc khác như các thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, vancomycin, cimetidin làm giảm nồng độ creatinin trong máu.
  • Chấn thương cơ làm tăng Creatinin trong máu;
  • Mang thai hoặc suy dinh dưỡng nặng khiến nồng độ Creatinin thấp

3.2 Xét nghiệm Creatinin nước tiểu

Khi chức năng thận suy giảm, lượng Creatinin sẽ tích tụ lại trong cơ thể. Xét nghiệm Creatinin trong nước tiểu giúp đánh giá xem thận có hoạt động bình thường hay không. Các thử nghiệm đo nồng độ Creatinin niệu trong nước tiểu 24 giờ thường được chỉ định cho bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh thận. Nếu Creatinin trong cơ thể cao có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh thận. Ngoài xét nghiệm creatinin niệu còn sử dụng xét nghiệm kết hợp với microalbumin niệu để đánh giá chức năng của thận.

4. Nồng độ Creatinin bình thường là bao nhiêu?

Nồng độ Creatinin trong cả nước tiểu và máu sẽ được định lượng và nhận định kết quả với khoảng tham chiếu.

Định lượng Creatinin máu ở nữ giới khỏe mạnh là 0.5-1.1 mg/dl hoặc 44-97 umol/l (đơn vị SI) và ở nam giới khỏe mạnh là 0.6-1.2 mg/dl hoặc 53-106 umol/l (đơn vị SI). Ngoài ra, chỉ số Creatinin còn phụ thuộc vào các yếu tố như độ tuổi, giới tính, trọng lượng cơ thể,… Cụ thể, người cao tuổi giảm khối lượng cơ có thể giảm nồng độ Creatinin. Vị thành niên có nồng độ Creatinin là 0.5-1.0 mg/dl, trẻ em là 0.3-0.7 mg/dl, trẻ nhỏ là 0.2-0.4 mg/dl và trẻ sơ sinh là 0.3-1.2 mg/dl.

5. Kết quả bất thường sau khi xét nghiệm định lượng Creatinin

  • Tăng nồng độ Creatinin: cảnh báo nguy cơ mắc bệnh viêm bể thận, viêm cầu thận, hoại tử ống thận cấp tính, suy thận cấp và mạn tính, giảm lưu lượng máu tới thận (sốc, mất nước, xơ vữa động mạch, suy tim sung huyết), hẹp động mạch thận, tắc nghẽn đường tiết niệu, tiểu đường căn nguyên do thận, tiêu cơ vân, sưng thận, cường giáp, Goutte, chứng to đầu chi, chứng khổng lồ, dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc hạ huyết áp, cao huyết áp, tiểu đường, thoái hóa thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, lắng đọng IgA tại cầu thận, sỏi thận, đa u tủy xương, nhiễm độc thận, tăng axit uric máu, ung thư tiền liệt tuyến, khối u bàng quang, khối u tử cung, xơ hóa sau phúc mạc,…
  • Giảm nồng độ Creatinin: suy nhược cơ thể, bệnh gan mạn tính, giảm khối lượng cơ (suy cơ, loạn dưỡng cơ bắp, tuổi già) hoặc có thai, ăn chay, dùng thuốc chống động kinh,…

Xét nghiệm định lượng Creatinin đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh lý ở thận. Vì vậy, nếu có nguy cơ cao mắc bệnh thận hoặc có dấu hiệu cảnh báo suy thận, bệnh nhân nên sớm tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm nồng độ Creatinin và các phương pháp chẩn đoán khác.

Công ty TNHH Phát triển Thương mại Hợp Lực là nhà phân phối độc quyền hóa chất xét nghiệm sinh hóa của các hãng nổi tiếng như: Spinreact, ERBA, Biochemical Systems International, Dutch, với những ưu điểm vượt trội: (trích phần dưới này). Bên cạnh đó; chúng tôi còn cung cấp độc quyền các thiết bị xét nghiệm sinh hóa từ nhiều hãng lớn trên thế giới với nhiều ưu đãi hấp dẫn (tham khảo dưới đây).

Tham khảo: 

Hóa chất xét nghiệm sinh hóa: https://hoplucmed.com.vn/hoa-chat-xet-nghiem/hoa-chat-sinh-hoa/

Thiết bị xét nghiệm sinh hóa: https://hoplucmed.com.vn/thiet-bi-xet-nghiem/may-xet-nghiem-sinh-hoa/

Nguồn: vinmec.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *